Cơ quan thuế sẽ tăng cường quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), từ giao dịch trên các sàn thương mại đến các hình thức kinh doanh trực tuyến, livestream…
Về lâu dài, ngành thuế sẽ đề xuất quy định các sàn TMĐT phải nộp thuế thay cho người kinh doanh.
Đó là khẳng định của lãnh đạo Tổng cục Thuế khi trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội thảo quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số do Tổng cục Thuế tổ chức hôm 13-5.
Trong khi đó, sau khi Tuổi Trẻ phản ánh việc “Bỗng dưng nợ thuế tiền tỉ”, nhiều người lo lắng kiểm tra và phát hiện bị nợ thuế hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ đồng do làm affiliate – các hoạt động để gắn đường dẫn mua hàng hóa ở sàn TMĐT.
Tra app thuế, phát hiện đang nợ tiền tỉ
“Anh em có ổn không?, còn ôxy để thở không?” là những dòng trạng thái đầy tâm tư lẫn hài hước xuất hiện đầy trong các nhóm anh em chạy aff những ngày gần đây. Trên một diễn đàn tâm sự về affiliate – MMO, một người có nick V. cho hay đã kiếm được tổng cộng 15 tỉ đồng từ việc chạy aff ở hai sàn TMĐT lớn nhất hiện nay, sau khi được các sàn tạm khấu trừ 10%.
Tuy nhiên, sau khi thông tin về việc một người có thu nhập 20 tỉ đồng thù lao của sàn TMĐT bỗng dưng phát hiện bị truy thu nợ thuế… 5,1 tỉ đồng gây xôn xao dư luận, anh V. đã kiểm tra và té ngửa khi phát hiện đang nợ thuế 4 tỉ đồng.
“Tổng thu 15 tỉ đồng nhưng sau khi trừ đi các chi phí như quảng cáo, nhân công, làm clip… chỉ còn lãi khoảng 2 tỉ đồng. Số tiền này tôi nhận nhưng chia đôi với người bạn làm chung mỗi người 1 tỉ. Sau vụ phát hiện nợ thuế, người bạn làm cùng đã chặn số và mất liên lạc, còn lại mình tôi gánh”, người này tâm sự.
Đây không phải là trường hợp cá biệt. Khổ nhất là những người làm theo nhóm 7 – 8 người, tiền hoa hồng được trả sau khi trừ chi phí đã ăn đồng chia đều, nay phát sinh nợ thuế không biết xử lý thế nào. Một người tên T.V. cho biết nhóm có 8 người, được sàn TMĐT trả 12 tỉ đồng, sau khi trừ chi phí quảng cáo, mua page, group… mỗi người được chia 750 triệu đồng.
Tuy nhiên, đến nay anh T.V. bị cơ quan thuế truy thu trên tổng doanh thu mà sàn trả, chưa biết xử lý thế nào. Trong khi theo thống kê, chi phí đã chiếm từ 50 – 80% trên tổng doanh thu. Có trường hợp làm nhỏ lẻ cũng bị truy thu 140 triệu đồng.
Không chỉ với những trường hợp làm affiliate dưới danh nghĩa cá nhân bị truy thu thuế, nhiều người cho biết đã thành lập hộ kinh doanh dù không thấy nợ thuế trên app eTax Mobile của ngành thuế nhưng mới được cơ quan thuế gọi lên yêu cầu kê khai doanh thu từ năm 2021 đến nay, đồng thời yêu cầu nộp thuế và tiền phạt chậm nộp.
Rất nhiều người than lỗ vì phải gánh nhiều chi phí mặt bằng, đội nhóm mà thuế lại đánh trên doanh thu là không đúng bản chất của công việc này nhưng phần đông ý kiến đều động viên các trường hợp kinh doanh phải kê khai và nộp thuế, không né tránh được.
Không chỉ nguồn thu từ aff, những trường hợp bán hàng online cũng được động viên chủ động đi kê khai và nộp thuế vì cơ quan thuế hiện nay đã truy được tài khoản ngân hàng. Nên nếu để càng lâu số tiền bị phạt càng lớn.
Chị P., một người kinh doanh trên nhiều sàn, than “thời trăng mật của chạy aff, người người nhà nhà xây kênh để làm tiếp thị liên kết đã qua rồi” vì thuế rát quá. “Chỉ làm nhỏ lẻ mà tiền thuế nợ của một sàn đã đến 40 triệu đồng, nếu tính hết chắc lên đến hàng trăm triệu”, chị P. than.
Sàn TMĐT sẽ nộp thuế thay cho người kinh doanh?
Phát biểu tại hội thảo quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số do Tổng cục Thuế tổ chức hôm 13-5, ông Đặng Ngọc Minh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt sự bùng nổ của Internet và nền tảng số đã tạo nền kinh tế số phát triển đầy tiềm năng. Nhưng thực tế này cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý thuế.
Do đó, trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Tổng cục Thuế nhấn mạnh cơ quan này sẽ tăng cường quản lý thuế trong lĩnh vực TMĐT, từ giao dịch trên các sàn thương mại đến các hình thức kinh doanh trực tuyến, livestream…
Với doanh nghiệp có hoạt động TMĐT, cơ quan thuế quản lý thuế khá chặt chẽ. Tuy nhiên với các cá nhân, còn nhiều người nộp thuế có doanh thu rất lớn từ kinh doanh trên nền tảng số nhưng chưa kê khai và nộp thuế.
Vì vậy, ngành thuế đã phân chia ra đối tượng để quản lý. Theo đó, các cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT, các tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm cung cấp thông tin về người bán hàng cho cơ quan thuế qua cổng thông tin TMĐT. Tính đến nay đã ghi nhận 357 sàn giao dịch TMĐT, trong đó có nhiều sàn chiếm thị phần lớn như Shopee, Lazada, Sendo, Voso, Tiki… cung cấp thông tin cho cơ quan thuế.
Với những cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT mà chưa đăng ký, kê khai và nộp thuế, cơ quan thuế sẽ mời cá nhân kinh doanh có doanh số lớn lên làm việc. Với hệ thống dữ liệu mà ngành thuế xây dựng được, cơ quan thuế sẽ chỉ ra cho cá nhân đó có doanh thu bao nhiêu, ở đâu, đã nộp thuế bao nhiêu và còn phải nộp bao nhiêu nữa.
“Trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ mở cổng thông tin điện tử tự động cũng giống như cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài – để cá nhân, hộ kinh doanh chủ động kê khai và nộp thuế. Chúng tôi cũng sẽ đề xuất sửa luật theo hướng sàn TMĐT sẽ nộp thuế thay cho các cá nhân bán hàng trên sàn”, vị này cho biết.
Riêng với doanh thu trên Facebook, TikTok…, cơ quan thuế sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để quản lý thuế. Bởi trách nhiệm của người kinh doanh tại VN là phải kê khai và nộp thuế khi phát sinh doanh thu tại thị trường VN. Đối với các sàn TMĐT nước ngoài, chưa có quy định phải kê khai, cung cấp thông tin của người bán hàng trên sàn đó cho người nộp thuế.
“Nhưng nếu họ tiếp tay cho người kinh doanh trốn thuế, ngành thuế sẽ phối hợp với Bộ TT&TT để có biện pháp kỹ thuật liên quan đến quyền kinh doanh… nhằm kiểm soát việc này”, vị này nhấn mạnh.
Xây dựng cơ sở dữ liệu thuế thông qua định danh điện tử
Trao đổi về công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT trên địa bàn Hà Nội mới đây, ông Vũ Mạnh Cường, cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội, cho biết từ cuối năm 2023 đến nay, thông qua việc định danh và xác thực điện tử, cơ quan thuế Hà Nội đã xây dựng cơ sở dữ liệu của hơn 320 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn TMĐT, 54 doanh nghiệp là sàn TMĐT lưu trú, khoảng 21.500 doanh nghiệp, trên 16.500 hộ kinh doanh và hơn 80.600 cá nhân tiền lương, tiền công bán hàng trên các sàn Shopee, Tiki, Lazada, thu thập khoảng 110.000 tài khoản ngân hàng, định danh hơn 591.200 cửa hàng.
Khó buộc các sàn TMĐT nộp thuế thay người kinh doanh
Theo chuyên gia thuế Nguyễn Văn Phụng, cổng thông tin điện tử tự động sẽ là công cụ giúp người có hoạt động kinh doanh TMĐT chủ động khai, nộp thuế một cách thuận lợi. “Thực tế, nhiều cá nhân bán hàng qua nhiều kênh như qua các sàn TMĐT, trên các nền tảng Facebook, YouTube… Khi có cổng thông tin điện tử này rồi, họ sẽ khai, nộp thuế trực tiếp lên đây”, ông Phụng nói.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia thuế cho rằng quy định bắt buộc sàn TMĐT nộp thuế thay người bán hàng là chưa phù hợp bởi sàn TMĐT là ban quản lý chợ, chỉ nắm danh tính của người bán hàng như tên, số căn cước công dân, mã số thuế, tài khoản ngân hàng… chứ không quản lý doanh thu.
“Ngay cả việc nắm được doanh thu cũng không đầy đủ khi nhiều đơn hàng được thanh toán bằng tiền mặt. Tiền bán hàng về tài khoản của người bán. Nếu buộc sàn TMĐT phải kê khai và nộp thuế thay người bán là không phù hợp”, một chuyên gia nói.
Trước đó, giữa năm 2022, khi đưa ra lấy ý kiến cho đề xuất này cho nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế, nhiều chuyên gia, sàn TMĐT không ủng hộ đề xuất sàn TMĐT phải nộp thuế thay cho người kinh doanh.
Chẳng hạn, Hiệp hội TMĐT VN cho rằng các sàn TMĐT chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối người bán và người mua, không phải là đơn vị chi trả thu nhập, nên không thuộc đối tượng phải kê khai, khấu trừ thuế thu nhập của người bán hàng.
Do vậy, việc kê khai và nộp thuế vẫn thuộc trách nhiệm của người bán hàng.
Nếu phát hiện trốn thuế sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Số liệu của Tổng cục Thuế cho biết cả nước có 3,1 triệu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Tuy nhiên, theo cơ quan thuế, vẫn có rất nhiều người kinh doanh không đăng ký, kê khai và nộp thuế theo đúng quy định.
Ngoài ra, có tình trạng doanh nghiệp núp bóng hộ kinh doanh, hộ kinh doanh có doanh thu lớn, sử dụng nhiều hóa đơn, tăng chí phí đầu vào cho doanh nghiệp. Do vậy, ngành thuế cho biết sẽ tăng cường quản lý, hạn chế tình trạng gian lận, trốn thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh, đặc biệt đối với doanh nghiệp núp bóng hộ kinh doanh nhằm né thuế.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc – chủ tịch Hội Tư vấn thuế VN, nhiều cá nhân livestream bán hàng trên không gian mạng có doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm nhưng số thuế mà những cá nhân kinh doanh online nộp chưa nhiều.
Do vậy, ngành thuế kết hợp với ngân hàng thương mại, ngành công thương… để nắm dữ liệu, thông tin của người nộp thuế. Khi đó, công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT sẽ hiệu quả hơn, đồng thời lập lại trật tự, bình đẳng về thuế giữa kinh doanh thương mại truyền thống với kinh doanh trên TMĐT.
“Cá nhân, hộ kinh doanh có hoạt động kinh doanh TMĐT cũng phải đăng ký, khai và nộp thuế như kinh doanh truyền thống. Theo quy định, thuế suất thuế kinh doanh TMĐT ở mức phù hợp, thấp hơn với thu nhập từ tiền lương tiền công.
Như doanh thu bán hàng trên mạng đối với cá nhân kinh doanh, mức thuế thu nhập cá nhân là 0,5% và thuế giá trị gia tăng là 1%. Nếu phát hiện việc trốn thuế, ngoài tiền thuế phải nộp, người kinh doanh còn phải nộp tiền phạt chậm nộp, nặng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, bà Cúc cảnh báo.