Đừng thất bại nhanh, hãy thất bại khôn ngoan

“Thất bại nhanh, thất bại thường xuyên” có thể là châm ngôn sống của nhiều người. Tuy nhiên, điều tốt hơn cả là thất bại một cách khôn ngoan.

Một doanh nhân thành đạt nọ từng có lần chia sẻ bí quyết thành công đằng sau công việc kinh doanh của mình. Theo đó, phóng viên đã yêu cầu ông trả lời mỗi câu hỏi bằng một câu thôi.

* Bí quyết thành công của ông là gì?

– Tôi đã có lựa chọn tuyệt vời.

* Làm thế nào để ông có lựa chọn tuyệt vời?

– Đó là nhờ trải nghiệm tốt.

* Thế thì trải nghiệm tốt ấy là gì?

– Là những khi tôi lựa chọn sai lầm.

Có một sự thật là chúng ta không thể lúc nào cũng đưa ra quyết định đúng trong cuộc sống. Thế nên, vấn đề là chúng ta lựa chọn thái độ sống như thế nào sau những lựa chọn sai lầm. Nếu suy nghĩ được rằng mỗi sai lầm của tôi đều có thể dẫn đến những trải nghiệm tốt thì “thất bại” sẽ không còn là từ trái nghĩa của thành công nữa, mà sẽ là “một bước ngay trước thành công”.

Thời đại chúng ta đang sống không thiếu những nội dung tương tự câu chuyện nói trên và cả gương người thật – việc thật để cổ vũ cho văn hóa dám thất bại, từ Chủ tịch Huyndai Chung Ju-yung với tựa sách “Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách”, cho đến cuộc đời “ngụp lặn” trong thất bại của nhà sáng lập thương hiệu gà rán KFC Harland Sanders và quyết định khởi nghiệp ở tuổi 60 của ông.

Hãy thất bại một cách khôn ngoan

Có thể nói, chưa bao giờ sự cổ xúy cho tinh thần dám đương đầu và đứng lên từ vấp ngã lại phổ biến như ngày nay. Đây có lẽ là một trong những lý do để lời “Thất bại nhanh – thất bại thường xuyên” trở thành châm ngôn của giới khởi nghiệp tại Thung lũng Silicon nói riêng và thế giới nói chung. Đương nhiên, sẽ thật tốt nếu văn hóa này được lan tỏa sâu rộng trong giới khởi nghiệp và kinh doanh, dù vậy cần biết rằng việc dám chấp nhận thất bại không đồng nghĩa với việc có thể lấy thất bại làm thành tựu cho bản thân hoặc xem nó là phương tiện để “ghi điểm” với người khác hay nhà đầu tư.

Có hai lý do cho điều này. Thứ nhất, nhà đầu tư cùng sự kiên nhẫn của họ không phải vô hạn và mức độ “dung thứ” cho thất bại của họ không thể vượt quá xa độ lớn của túi tiền. Hơn nữa, việc liên tiếp thất bại phát đi một tín hiệu là người mắc sai lầm ấy không học được gì từ các thất bại của mình và không thực sự đáng tin cậy để được nhận sự đầu tư.

Thứ hai, dù đã được tin tưởng để rót vốn, con đường phía trước vẫn rất gian nan và không thiếu trường hợp khởi nghiệp thất bại sau vài tháng nhận đầu tư hoặc sau khi bị ngưng vốn. Do đó, sự chuẩn bị cho các kịch bản xấu lẫn sức mạnh nội tại để đứng vững trước khó khăn quan trọng hơn nhiều niềm tự hào suông rằng bản thân dám thất bại.

Là một học giả, nhà nghiên cứu nổi tiếng về lãnh đạo – quản trị, Edmondson cho rằng mục tiêu của mỗi người trên đường sự nghiệp nên là đảm bảo tất cả thất bại của họ là thất bại khôn ngoan và bản thân họ thực sự học hỏi được từ những sai lầm.

Thay vì “thất bại nhanh và thất bại thường xuyên”, điều tốt hơn cả là hãy thất bại một cách khôn ngoan. Lý do: thất bại khôn ngoan thường là kết quả của sự nỗ lực học hỏi hoặc thử điều gì mới, mà không thể thực hiện hoàn hảo ngay lần đầu tiên.

GS.Amy C. Edmondson – Trường Harvard

Đừng hỏi “tại sao” hay “tại ai” mà hãy hỏi “chuyện gì đã xảy ra”

Một khi bạn đã thất bại một cách khôn ngoan, bạn phải đảm bảo rằng phân tích thất bại của bạn là chính xác để đảm bảo bạn học được từ nó. Theo Edmondson, dù vô tình hay hữu ý, chúng ta thường không muốn đối mặt với những sai lầm của mình và đánh giá chúng một cách có hệ thống, vì có khuynh hướng muốn nhanh chóng vượt qua thất bại.

“Chúng ta hoặc thích đổ lỗi cho những việc nằm ngoài tầm kiểm soát hoặc che giấu sai lầm của mình. Ngay cả khi tự tin bản thân không làm như vậy, hãy tập suy nghĩ rằng bạn cũng có tư duy đó, bởi vì tất cả chúng ta đều làm vậy ở một mức độ nào đó. Theo bản năng, chúng ta thường diễn giải hoạt động học hỏi từ thất bại bằng các câu hỏi như ‘ai là tác nhân gây chuyện’ hơn ‘điều gì thực sự đã xảy ra’. Nếu bắt đầu việc học hỏi trong khi để bản thân bị dẫn dắt bởi khung suy nghĩ như thế, thì rất nhanh chóng thôi bạn sẽ đi đến kết luận rằng “tôi không phải là lý do đằng sau thất bại”, nữ học giả Edmondson nói.

Do đó, thay vì hỏi “Tại sao chuyện này lại xảy ra” hoặc “Ai đã gây ra chuyện này”, hãy hỏi “Chuyện gì đã xảy ra” rồi mô tả thật chi tiết về hành động sai lầm của mình hay của cả nhóm. Dù câu hỏi “Tại sao” hay “Tại ai” có thể sẽ trở nên hữu ích sau đó, chúng không phải là những câu hỏi hay để bắt đầu.

Hơn nữa, trong làm việc nhóm, việc tránh hai câu hỏi trên cũng giúp tạo ra sự an toàn về mặt tâm lý, qua đó phát đi tín hiệu rằng mọi người đều “có thể lên tiếng một cách trung thực và thẳng thắn về bất kỳ khía cạnh nào của công việc, dù nó là mối quan tâm hoặc một quan điểm bất đồng”. Cảm giác an toàn về tâm lý không chỉ giúp những thành viên trong cùng một nhóm nhanh chóng lên tiếng khi tin rằng ai đó đang mắc sai lầm, mà còn có thể giúp ngăn chặn nhiều thất bại không đáng có.

“Nó cũng giúp những người làm việc với bạn sẵn lòng thử điều mới hơn. Nếu đồng nghiệp hoặc nhân viên của bạn sợ bị trả thù vì sai lầm của họ, họ có thể sẽ có xu hướng giữ lại những ý tưởng mới. Tuy nhiên, với sự an toàn về mặt tâm lý, các ý tưởng làm thay đổi cuộc chơi trong tương lai sẽ xuất hiện”, Edmondson nói.

3 bước cần thực hiện để thất bại khôn ngoan:

1. Phải hành động dựa trên mục tiêu rõ ràng: Mục tiêu này có thể là phát triển một sản phẩm mới, dịch vụ mới hoặc đơn giản là cải thiện cuộc sống của bản thân. Điểm cốt lõi là nó phải rõ ràng và cụ thể. Đây cũng là tiền đề cần thiết cho vòng lặp xây dựng – kiểm chứng/đo lường – học hỏi được tác giả Eric Ries nhắc đến trong quyển “Khởi nghiệp tinh gọn (Lean Startup)” nổi tiếng của mình.

2. Nghiên cứu các trường hợp tương tự đã tồn tại: Để thất bại khôn ngoan, Edmondson khuyên mỗi người nên tránh lặp lại sai lầm mà người khác đã mắc phải thông qua việc nghiên cứu các trường hợp tương tự và chỉ hành động sau khi đã có đủ thông tin và điểm mới cần thiết.

3. Không sử dụng quá mức nguồn lực của bản thân: “Một thất bại khôn ngoan là một thất bại không quá lớn mà chỉ lớn ở mức cần thiết”. Điều này nhằm giảm rủi ro xuống mức tối thiểu. “Giả sử bạn đang thử một công thức nấu ăn mới, hãy thử nó lúc ở nhà chứ không phải khi có khách đến ăn tối. Một khi tìm được cách làm ít tốn kém và ít rủi ro hơn, hãy sẵn sàng thử nghiệm chúng nhiều hơn”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *