Làm sao để biến stress thành động lực làm việc?

Stress cũng bao gồm stress tốt và stress xấu. Vậy làm thế nào để loại bỏ nguồn stress xấu và tận dụng nguồn stress tốt, nhằm biến chúng thành động lực làm việc?

Khi đề cập đến stress, hay còn gọi là tình trạng căng thẳng thần kinh, chúng ta thường có khuynh hướng gắn nó với ý nghĩa tiêu cực, đặc biệt là stress tại môi trường công sở.

Trên thực tế, quá nhiều stress có thể gây ra vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, như bệnh tim và tiểu đường. Tuy nhiên, mức độ stress vừa phải và hợp lý có thể giúp chủ thể hạnh phúc và làm việc hiệu quả hơn.

Một khảo sát với hơn 5.000 lao động tại Mỹ cũng củng cố cho quan điểm này, khi những người có tư duy tích cực về stress và xem chúng là một thách thức cần được chấp nhận, làm việc hiệu quả hơn, tập trung tốt hơn, cảm thấy có động lực hơn và ít khả năng cân nhắc chuyển việc do stress hơn.

Có thể nói rằng, stress không phải lúc nào cũng chỉ đem đến tác hại, mà có thể được quản lý và tận dụng nhằm mang lại kết quả tốt. Theo hai nhà thần kinh học Wendy Suzuki và Peter Vitaliano, stress là phản ứng giúp con người tồn tại và phát triển trước tác động từ bên ngoài, có thể được chia thành hai loại chính là stress tốt và stress xấu. Sự khác biệt cơ bản nằm ở cách cơ thể chúng ta phản ứng.

Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Psychoneuroendocrinology, stress tốt sẽ kích thích cơ thể giải phóng năng lượng và lưu lượng máu, cải thiện sự tự tin và trí nhớ. Ngược lại, khi chủ thể đối mặt với stress xấu, cơ chế “chiến đấu hoặc bỏ chạy” sẽ được kích hoạt, qua đó khiến thể chất khỏe mạnh hơn, nhưng khả năng chú ý và trí nhớ lại giảm sút.

Stress tốt và stress xấu

Stress tốt thường diễn ra trong thời gian ngắn, vừa đủ để kích thích chủ thể chinh phục khó khăn trước mắt thay vì cản trở. Trải nghiệm mang đến stress tốt thường khó “nhằn” nhưng thú vị, chẳng hạn như bắt đầu một công việc mới hay làm quen một người bạn mới.

Theo TS. Wendy Suzuki – nhà khoa học thần kinh tại Đại học New York, thời điểm lý tưởng của stress mà ai cũng có thể tận dụng chính là khi tỉnh táo, nhận thức được khó khăn nhưng không bị nó làm suy yếu. Trong trường hợp này, stress có thể trở thành động lực giúp làm việc hiệu quả hơn.

Stress là cảm xúc bình thường của con người, nhưng hầu hết đều xem nó và sự lo lắng là điều gì đó sợ hãi. Tôi muốn nói với mọi người là để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, dù trong công việc hay các mối quan hệ, bạn cần một ít căng thẳng để giúp bản thân chủ động và nỗ lực hết sức.

TS. Wendy Suzuki – nhà khoa học thần kinh tại Đại học New York

Chẳng hạn, nếu căng thẳng vì cả núi việc cần làm ngày mai, hãy lập to-do list (danh sách việc phải làm) để kiểm soát từng đầu việc ngay hôm nay. Một khi đã hiểu rõ ngày mai cần làm gì, lúc nào và mỗi đầu việc cần lưu ý gì, nỗi sợ của bạn sẽ giảm xuống đáng kể.

Ngược lại, stress xấu xuất phát từ các vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của chủ thể, mà phổ biến nhất là văn hóa công sở độc hại. Theo một nghiên cứu đăng trên MIT Sloan Management Review, có 5 yếu tố giúp bạn xác định điều này, gồm môi trường thiếu tôn trọng, phân biệt đối xử, phi đạo đức, quá hà khắc hoặc quản lý lạm quyền.

de-bien-stress-thanh-dong-luc-lam-viec.jpg
Stress xấu xuất phát từ các vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của chủ thể, mà phổ biến nhất là văn hóa công sở độc hại

Một số yếu tố khác dẫn đến stress xấu có thể kể đến là xung đột với đồng nghiệp, quản lý thiếu quan tâm đến cảm xúc nhân viên hoặc thậm chí tình trạng giao thông trên đường đi làm. Không ít người cảm thấy stress vì thường xuyên chịu cảnh kẹt xe hoặc thời tiết xấu trên đường đi làm. Điều này có thể thực sự khiến họ cân nhắc đổi việc, dù môi trường công sở lành mạnh.

Theo các chuyên gia, những kiểu căng thẳng nói trên có thể tôi luyện và khiến chủ thể trở nên mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, nếu diễn ra trong thời gian dài có thể gây tình trạng kiệt sức trong công việc, thậm chí hình thành các vấn đề tâm lý. Chịu đựng nó không phải giải pháp hữu hiệu về lâu dài, vì vậy nên cân nhắc rời đi nếu môi trường làm việc không thay đổi theo hướng tích cực.

Để stress không còn là trở ngại

Theo các nghiên cứu, khi bị stress, não sẽ sản sinh hai hormone chính là adrenaline và cortisol, song nó cũng giải phóng cả oxytocin – hormone giúp kết nối với người khác và DHEA – một chất hóa học bảo vệ chủ thể khỏi tác dụng phụ của cortisol, giúp cân bằng sau trải nghiệm căng thẳng. Như vậy, trong một số trường hợp, trải nghiệm stress tốt hay stress xấu còn phụ thuộc vào cách nhìn nhận hoàn cảnh của chủ thể. Thông qua thay đổi suy nghĩ, một người hoàn toàn có thể biến những căng thẳng tiêu cực trong công việc thành căng thẳng tích cực hơn.

Để xây dựng tư duy tích cực về stress, bước đầu tiên là ghi nhận các suy nghĩ tiêu cực, hoặc niềm tin hay định kiến xấu mà bản thân thường xuyên lặp đi lặp lại. Có thể làm điều này bằng cách đối thoại với chính mình, hoặc áp dụng metacognition ở mức vừa phải.

Metacognition, hay siêu nhận thức, được hiểu đơn giản là hành động suy nghĩ về chính các suy nghĩ của bản thân – phương pháp giúp chủ thể nhận ra khuyết điểm đang tồn tại trong tư duy của mình. Dù vậy, không lặp lại việc này liên tục để tránh rơi vào bẫy suy nghĩ quá độ.

Một cách hiệu quả có thể áp dụng là liên hệ trở ngại hiện tại với một trải nghiệm tương tự trong quá khứ mà bạn đã vượt qua, hoặc nhắc nhở bản thân về những điểm mạnh của mình.

Một điều lưu ý, cần tuyệt đối tránh suy nghĩ “điều gì sẽ xảy ra nếu…” hoặc lo sợ về kết quả (các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát). Suy nghĩ như thế chỉ khiến bạn rơi vào một vòng lẩn quẩn khi tưởng tượng ra vô số tình huống xấu khác.

“Nếu bạn tập trung vào những điều giả định và những điều nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân, bạn sẽ chỉ làm tổn thương chính mình”, nhà thần kinh học Peter Vitaliano nói.

Ví dụ, nếu quá căng thẳng về việc trình bày trong một cuộc họp, hãy tự nhắc nhở bản thân về thời điểm trước đó khi bạn cũng lo lắng về bài thuyết trình, song rốt cuộc đã làm tốt, hoặc sự thật là bạn đã dành hàng tiếng đồng hồ để chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho cuộc họp.

Nhà thần kinh học Peter Vitaliano

Kết nối giá trị công việc và cá nhân

Không phải ai cũng có được công việc mình yêu thích. Dù vậy, bạn hoàn toàn có thể kết hợp những điều mình thích, như học một kỹ năng mới, làm việc với một nhóm mới hoặc đưa ra ý tưởng cho một chuyên mục mới, vào công việc của mình. Bằng cách này, bạn có thể thu hẹp khoảng cách giữa giá trị công việc và giá trị cốt lõi mà bạn theo đuổi, đồng thời giảm bớt các yếu tố gây căng thẳng.

de-bien-stress-thanh-dong-luc-lam-viec-1.jpg
Bạn hoàn toàn có thể loại bỏ các yếu tố gây căng thẳng và có sự chuẩn bị về mặt tâm lý

Hơn nữa, bạn cũng nên đặt ra mục tiêu rõ ràng cho công việc của mình và duy trì việc trao đổi chúng với sếp hoặc một số đồng nghiệp đáng tin cậy. Sau khi nhận được những lời khuyên và đề xuất cụ thể, tập trung vào hành động sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu cũng như khắc phục các khó khăn có thể cản trở.

Một khi lường trước được những khó khăn tiềm tàng, bạn sẽ có sự chuẩn bị đáng kể về tinh thần. Đây là điều kiện để bạn rèn luyện các kỹ năng liên quan và nhận được sự hỗ trợ từ những người có kinh nghiệm. Stress khi đó sẽ không còn là trở ngại đáng sợ nữa, mà trở thành cầu nối giúp sếp và đồng nghiệp hiểu bạn hơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *